Phiên bản beta thứ 3 của Android 12 đã hé lộ thêm nhiều tính năng mới cực hấp dẫn. Những tính năng nào đã được xác nhận, những tính năng nào còn trong vòng nghi vấn? Theo dõi ngay bài viết dưới đây.
Những tính năng đã chính thức có mặt
Đây là những tính năng chắc chắn sẽ có mặt trên phiên bản Android 12 chính thức, dĩ nhiên trừ khi Google thay đổi ý định.
1. Đại tu về hình ảnh và tính năng trích xuất màu sắc
Tại hội nghị Google I/O 2021, Google đã xác nhận thiết kế của Android sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất về mặt hình ảnh trong những năm qua. Theo đó, bản cải tiến lần này sẽ là phiên bản mới tiếp theo của ngôn ngữ lập trình Material You của Google. Ý tưởng đằng sau Material You là tự bản thân người dùng có thể thay đổi thiết kế.
Tại phiên bản 12, hệ điều hành Android sẽ có giao thức trích xuất màu ảnh từ hình nền để áp vào các yếu tố khác. Tức là bạn để hình nền màn hình chính/màn hình khóa màu gì thì cả hệ thống cũng sẽ đổi thành màu đó. Tính năng này tự động và dễ dùng, cho phép bạn tạo nên một chiếc điện thoại độc đáo của riêng mình.
Ngoài tính năng trích xuất màu sắc, Android 12 cũng có nhiều điều chỉnh mới về thiết kế, các chuyển động, thay đổi khoảng cách,…
2. Các cài đặt Quick Tiles mới
Ở các phiên bản cũ và hiện tại, mỗi khi bạn kéo ô thông báo, bạn sẽ thấy một icon hình tròn ở phía trên. Tuy nhiên ở Android 12 icon hình tròn đổi thành icon hình chữ nhật cạnh bo tròn.
Ngoài thay đổi này, các thao tác Quick Tiles vẫn giữ nguyên, chẳng hạn chạm 1 lần để tắt hoặc mở, nhấn giữ để đi đến trang Settings. Tuy nhiên các ô sẽ lớn hơn và chứa nhiều thông tin hơn.
Dĩ nhiên các ô lớn hơn thì số lượng ô hiển thị cùng lúc sẽ giảm xuống. Với Android 12 bạn sẽ chỉ thấy 4 ô thông báo cùng lúc, thay vì 6 như các phiên bản cũ. Và màu sắc Quick Tiles cũng đồng nhất với màu hệ thống bằng giao thức trích xuất màu sắc như đã nói ở trên.
3. Cải tiến về bảo mật và quyền riêng tư
Tại hội nghị I/O 2021, Google tuyên bố tính năng quyền riêng tư mới trong Android 12 sẽ giúp minh bạch hơn việc thu thập dữ liệu của các ứng dụng. Công cụ mới này cũng cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát chi tiết hơn. Theo đó, người dùng sẽ kiểm soát cách thức và thời điểm các ứng dụng truy cập và thu thập thông tin của họ.
Bên cạnh đó, Android 12 cũng giới thiệu Bảng điều khiển Tính riêng tư (Privacy Dashboard) mới, cung cấp thông tin chi tiết về cách thức các ứng dụng truy cập thông tin. Khi bạn mở phần này, các thông tin tổng hợp sẽ cho bạn thấy có bao nhiêu ứng dụng đang truy cập địa điểm, camera, microphone của bạn trong 24 giờ qua.
Với Privacy Dashboard trên Android 12, người dùng sẽ có quyền tùy chỉnh việc thu thập dữ liệu của ứng dụng. Tại cài đặt Manage Permission, bạn sẽ có thể bỏ quyền truy cập của một ứng dụng cụ thể.
4. Chụp màn hình cuộn (scrolling screenshot)
Tính năng này đã được đồn đoán từ nhiều năm và đã chính thức có mặt trên Android 12. Với tính năng này, bạn sẽ chụp được hình ảnh của toàn bộ trang hiện tại, chứ không phải chỉ chụp được phần đang hiển thị trên màn hình như trước đó.
Để sử dụng tính năng này, bạn chỉ cần chụp màn hình như bình thường, tiếp theo chọn nút “capture more” để chụp thêm các nội dung khác. Sau đó bạn có thể chỉnh sửa, cắt xén hình ảnh tùy thích.
5. Cải tiến thông báo
Hệ thống thông báo của Android 12 sẽ được thiết kế lại, đẹp mắt hơn, dễ dùng hơn và hiệu quả hơn. Theo đó Google đang cải tiến các ô chứa thông báo, cũng như làm mới các hiệu ứng hoạt cảnh, chuyển đổi.
Ngoài ra Google cũng chú ý đến độ responsiveness (cách thiết kế giao diện có thể phù hợp với nhiều loại thiết bị, trình duyệt, kích cỡ màn hình,…). Theo đó Android 12 sẽ không còn “trampolines” – những loại thông báo mất nhiều thời gian để tải ứng dụng, ngay cả sau khi nhấn vào chúng. Thay vào đó, các thông báo sẽ đưa người dùng thẳng đến ứng dụng.
Google cũng sẽ “trì hoãn hiển thị thông báo của một số ứng dụng trong nền trong khoảng tối đa 10 giây”. Điều này giúp các ứng dụng tự động tải, hoàn thành trước khi hiển thị đến người dùng. Khi đó người dùng chỉ cần bấm vào thông báo và đưa đến ứng dụng, không phải mất thời gian chờ ứng dụng tải.
6. Công cụ tìm kiếm ngay trên thiết bị
Với Android 12 (bản beta 3), việc tìm kiếm trên thiết bị Android sẽ hiệu quả hơn bao giờ hết với AppSearch. Đây là công cụ tìm kiếm tích hợp thẳng trong thiết bị, cho phép bạn tiến hành tìm kiếm những nội dung bên trong ứng dụng, thậm chí khi thiết bị đang offline.
Chẳng hạn đối với một ứng dụng nghe nhạc. Khi bạn tìm kiếm tên một bài hát trong ứng dụng này, ứng dụng sẽ chuyển yêu cầu qua cho bên AppSearch để nhanh chóng truy xuất ra bài hát phù hợp. Kết quả tìm kiếm sẽ được hiển thị và bạn có thể bật nhạc trực tiếp tại đây.
Bạn có thể offload (xóa mà không làm mất dữ liệu, khi tải lại sẽ tiếp tục dùng được) các yêu cầu trong AppSearch để thực hiện các truy vấn khác nhanh hơn và tiêu tốn ít tài nguyên hơn.
7. Chia sẻ wifi dễ dàng hơn
Trong Android 11, nếu muốn chia sẻ wifi với người khác, bạn có thể tạo mã QR để người kia quét. Còn ở Android 12, mọi chuyện thậm chí dễ dàng hơn.
Bạn vẫn sẽ bấm tạo mã QR. Nhưng sau đó chỉ cần bấm thêm nút “Nearby” ở bên dưới mã, thì bạn đã có thể truyền thông tin đăng nhập wifi cho bất kỳ ai bạn muốn. Tính năng này có tên là Nearby Share.
Việc này tiện lợi hơn quét mã QR ở chỗ bạn có thể dễ dàng chia sẻ wifi đến nhiều người mà không cần chuyền tay nhau mã QR.
8. Chế độ một tay
Tính năng này khá giống với chế độ một tay trên iOS, giúp thu nhỏ màn hình, để người dùng có thể dễ dàng sử dụng chỉ trong tầm với của 1 tay.
Để sử dụng, bạn cần kích hoạt trong phần Settings. Khi muốn dùng, bạn chỉ cần thực hiện thao tác vuốt xuống ở cuối màn hình. Sau đó phần nửa bên trên của màn hình sẽ chuyển xuống dưới, cho phép bạn có thể thực hiện mọi thao tác ở vùng này mà không cần dùng tay còn lại.
9. Chạm nhanh
Tính năng này từng được đồn đoán sẽ xuất hiện ở Android 11, nhưng cuối cùng lại không. Với phiên bản Android 12 beta 3, tính năng chạm nhanh sẽ chính thức xuất hiện. Tuy nhiên nhiều khả năng chỉ khả dụng trên điện thoại Pixel.
Tính năng này (mật danh Columbus) cho phép người dùng chụp ảnh màn hình, mở thông báo hoặc khởi chạy Google Assistant chỉ bằng một lần nhấn đúp đơn giản vào mặt sau của thiết bị. Google cũng cho phép người dùng điều chỉnh độ nhạy của tính năng này hoặc tắt hoàn toàn nếu cảm thấy không thích.
10. Hiệu ứng âm thanh kết hợp cùng xúc giác
Google đang muốn ghép kết hợp các kiểu “phản hồi xúc giác” (haptic feedback – tức là khi bạn chạm vào phím bấm điều hướng hay gõ chữ trên bàn phím ảo, thì thiết bị sẽ rung lên) với âm thanh trong Android 12.
Google giải thích việc này giống như việc một ứng dụng gọi điện có thể sử dụng các tiếng chuông được tùy chỉnh để xác định ai là người gọi đến thông qua các phản hồi xúc giác.
11. Cập nhật Android 12 qua Google Play
Android Runtime (ART – môi trường thời gian chạy ứng dụng được sử dụng bởi HĐH Android) sẽ được thêm vào Project Mainline – chương trình cập nhật hệ thống của Google Play. Điều này sẽ giúp Google đẩy các bản cập nhật của ART và các dịch vụ quan trọng khác của Android 12 thông qua Google Play. Do vậy sẽ không cần cập nhật toàn bộ hệ thống mỗi khi thay đổi các yếu tố này. Google cũng cho biết sẽ đẩy thêm nhiều bản cập nhật thông qua Project Mainline, bao gồm cả các cải tiến chuyển mã đã đề cập ở trên.
Nếu bạn không hiểu mớ thông tin chuyên ngành này, thì chỉ cần nhớ rằng, với tính năng này, Google sẽ đưa các bản cập nhật cho bạn nhanh hơn, hiệu quả vì Google đã bỏ qua các nhà cung cấp dịch vụ và các đơn vị sản xuất thiết bị gốc.
12. Các widget mới
Cho đến hiện tại, có một widget mới đã lộ diện, đó là widget Thời tiết. Tuy nhiên chắc hẳn sẽ còn nhiều widget hơn.
Widget Trò chuyện cũng được đồn đoán sẽ có mặt từ khá lâu, và dường như rất có khả năng sẽ xuất hiện trong Android 12. Với sự trợ giúp của một số kỹ thuật đảo ngược, XDA (một cộng đồng phát triển phần mềm điện thoại) xác nhận widget này hoạt động ổn, mặc dù có thể chưa khả dụng trên Pixel Launcher. Ngoài ra còn một vấn đề khác. Đó là widget này cho đến hiện tại không hoạt động với những ứng dụng khác bên ngoài bộ ứng dụng của Google.
Hiện tại Google có thể phát triển widget này trong các bản cập nhật Android 12 sau này. Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn rằng Google sẽ cho chúng xuất hiện tại phiên bản chính thức của Android 12.
13. Tổ chức widget kiểu mới
Khi bạn thêm một widget vào màn hình chính, bạn có thể thấy nhiều phân loại widget cùng một lúc. Điều này cho phép bạn dễ dàng tìm những ứng dụng bạn muốn gắn widget vào và thêm các widget cụ thể. Đây là một thay đổi khá nhỏ, nhưng rất tiện dụng.
14. Tính năng Ứng dụng ngủ đông
Bạn mệt mỏi vì chuyện bộ nhớ bị quá tải nhưng vẫn không muốn xóa các ứng dụng? Có lẽ tính năng Ứng dụng ngủ đông trong Android 12 sẽ giúp ích rất nhiều.
Tính năng này sẽ gỡ bỏ một số ứng dụng không được sử dụng, đồng thời xóa các tệp tạm thời và bộ nhớ đệm thuộc quyền sở hữu của ứng dụng đó. Nó cũng hạn chế các tính năng thông báo của các ứng dụng này. Bạn chỉ cần nhấn nút “Bật/ tắt” trong phần “Thông tin ứng dụng” để kích hoạt tính năng này cho từng ứng dụng.
Dĩ nhiên với những người có điện thoại sở hữu bộ nhớ lớn thì tính năng này chẳng có ích gì. Tuy nhiên đây sẽ là tính năng rất tốt với những thiết bị Android giá rẻ hoặc điện thoại cũ.
15. Emoji kiểu mới
Android 12 sẽ thay đổi kiểu dáng của hơn 389 emoji. Các thay đổi này khá tinh tế và thiết thực. Chẳng hạn emoji ống tiêm không còn chất lỏng màu đỏ như máu, có lẽ để khuyến khích tiêm chủng vaccine Covid.
Tuy nhiên cũng có một vài thay đổi khiến nhiều người bối rối. Chẳng hạn emoji điện thoại trước đây thì giống điện thoại Android, còn trong bản mới thì lại giống một chiếc iPhone.
16. Một số tính năng khác đã được xác nhận trên Android 12
- Cải tiến chế độ tự động xoay: Chế độ tự động xoay trên Android thường hơi chậm, nhưng điều này đã thay đổi trong Android 12 bản beta 3. Google đã thêm tính năng nhận diện khuôn mặt để tự động xoay, sử dụng camera trước để giúp hệ thống biết khi nào cần xoay màn hình. Độ trễ khi xoay tự động đã giảm 25% vì hoạt ảnh xoay đã được tối ưu hóa, và chế độ nhận diện khuôn mặt cũng được cải tiện. Chế độ tự động xoay nâng cao nằm trong Private Compute Core mới công bố gần đây của Google, do đó hình ảnh sẽ không bao giờ được lưu trữ hoặc gửi ra khỏi thiết bị. Hiện tại tính năng này chỉ khả dụng trên điện thoại Pixel 4 và các thiết bị mới hơn chạy phiên bản beta 3.
- Màn hình khởi động ứng dụng (splash screen) chung: Để đem đến tính đồng bộ cho tất cả trải nghiệm khởi động ứng dụng, Android 12 sẽ tích hợp sẵn một màn hình khởi động chung cho tất cả ứng dụng. Màn hình này sẽ xuất hiện tự động cho tất cả ứng dụng, thậm chí khi nhà phát triển ứng dụng không tích hợp nó. Tuy nhiên, các nhà phát triển cũng có thể điều chỉnh màn hình này để phù hợp với bố cục và thương hiệu của ứng dụng
- Bảng điều khiển internet: Khi bạn chạm vào Quick Tile “Internet”, nó sẽ không đưa bạn đến phần Wifi trong Settings. Thay vào đó, một cửa sổ mới sẽ hiện ra, cho phép bạn truy cập nhanh vào những tùy chọn kết nối mạng phổ biến nhất
- Đánh dấu ảnh chụp màn hình: Nếu bạn chụp ảnh màn hình bằng điện thoại Pixel, bạn sẽ dễ dàng đánh dấu các hình ảnh này bằng công cụ bút vẽ. Trong Android 12, bạn còn có thể thêm văn bản, emoji, sticker vào hình này với cùng công cụ như trên. Đây không phải là một thay đổi quá lớn, tuy nhiên sẽ rất tiện lợi vì bạn không cần chuyển qua một ứng dụng khác để chỉnh sửa ảnh.
- Thay đổi một chút thiết kế trang Settings: Bảng điều khiển Settings có thay đổi nhẹ, với thanh tìm kiếm nhỏ hơn và bo tròn các góc. Một số nút bật tắt cũng trông khác một chút, dễ nhìn hơn và hiển thị trạng thái bật/ tắt rõ hơn.
- Chèn nội dung phong phú: Google đang cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn đối với các dữ liệu đa phương tiện thông qua bàn phím, khay nhớ tạm và các thao tác kéo thả. Bộ API mới cho phép người dùng chèn và di chuyển tệp đa phương tiện từ bất kỳ nguồn nào. Các định dạng được hỗ trợ bao gồm “văn bản trần và văn bản được tạo kiểu, hình ảnh, video, âm thanh,…”. Tính năng này sẽ giúp bạn tăng tốc quá trình chia sẻ tệp/văn bản cho người khác, hoặc chia sẻ nội dung giữa các ứng dụng.
- Lựa chọn nguồn âm thanh dễ dàng: Trình phát đa phương tiện trong phần Quick Settings của Android 11 giờ đây sẽ được tùy chỉnh nhiều hơn với Android 12. Bạn có thể bật/tắt các ứng dụng mà trình phát có thể phát bằng cách nhấn giữ thông báo và chuyển đến cài đặt cụ thể của các thông báo này. Ví dụ, bạn có thể tắt YouTube để YouTube không xuất hiện trong trình phát, trong khi vẫn giữ nguyên tính năng phát của Spotify.
- Thay đổi immersive mode: Immersive mode là chế độ mà thanh trạng thái và thanh điều hướng ảo đều biến mất để ứng dụng có nhiều không gian hiển thị nhất có thể. Theo Google, điều hướng bằng cử chỉ trong immersive mode sẽ “dễ dàng và nhất quán hơn” với Android 12.
- Ứng dụng Wallpaper & Style mới: Như ở trên đã đề cập, điện thoại Pixel sẽ có công cụ chủ đề Material You mới. Ngoài ra, Google cũng thiết kế lại ứng dụng Wallpaper & Style, với bộ chọn màu mới, các theme biểu tượng,…
- Đề xuất tổng quan (Overview Suggestions): Chỉ cần nhấn giữ trên màn hình chính, đi đến cài đặt chính bạn sẽ thấy một tùy chọn mới là “Overview Suggestions”. Khi bạn bật chế độ này, điện thoại sẽ đề xuất các hành động trong menu tổng quan (hay còn gọi lại menu các ứng dụng mới sử dụng gần đây), chẳng hạn sao chép link một website khi trình duyệt đang mở.
17. Các tính năng chủ yếu cho lập trình viên
- Chuyển mã đa phương tiện tương thích: Mặc dù HEVC ngày càng phổ biến, thế nhưng không phải ứng dụng nào cũng hỗ trợ tiêu chuẩn nén video này. Vậy nên giờ đây Google sẽ đưa ra một lớp chuyển mã mới trong Android 12, cho phép các ứng dụng không được hỗ trợ cũng có thể tận dụng việc nén video. Theo đó, các ứng dụng quay video không hỗ trợ HEVC có thể yêu cầu Android 12 chuyển mã tệp đó sang AVC. Đây là một định dạng nén video khác khả dụng hơn.
- Hỗ trợ tệp hình ảnh kiểu AVIF: Android 12 ra mắt hỗ trợ AVIF – một định dạng hình ảnh hứa hẹn cải thiện chất lượng hình ảnh hơn JPEG và không gặp vấn đề với những hình kích thước lớn. Định dạng này sử dụng codec video nguồn mở AV1 – vốn được giới thiệu lần đầu tiên trên Android 10.
- Âm thanh đa kênh: Android 12 hỗ trợ MPEG-H ở chế độ passthrough và offload. Bộ trộn âm, bộ lấy mẫu lại và hiệu ứng có thể hỗ trợ lên đến 24 kênh.
- Ứng dụng chạy trong nền: Trong Android 12, Google sẽ chặn các ứng dụng kiểu này khởi chạy. Thay vào đó, Google ra mắt JobSheduler, cho phép các lập trình viên nâng cao mức độ ưu tiên quy trình cho ứng dụng của họ.
- Hạn chế Netlink MAC: Trong phiên bản Android 11, chỉ có những ứng dụng đặc quyền mới có thể truy cập địa chỉ Netlink MAC của thiết bị. Còn hiện tại trong Android 12, Google sẽ hạn chế tất cả các ứng dụng.
- Cải thiện hiệu suất khả năng biến đổi của hệ thống: Trong phiên bản Android 12, Google đang cải thiện khả năng phân phối công việc và độ trễ. Điều này sẽ đem đến những cải tiến về hiệu suất cho quy trình hệ thống chính.
- Tối ưu cho các thiết bị có kích thước hiển thị lớn hơn: Những thiết bị này bao gồm máy tính bảng, các loại điện thoại gấp được, TV thông minh. Bản xem trước Android 12 cho các lập trình viên cũng sẽ khả dụng cho Android TV.
- Các thay đổi có thể chuyển đổi để gỡ lỗi: Google đang đơn giản hóa việc gỡ lỗi cho các nhà phát triển ứng dụng bằng cách khiến các thay đổi tự chọn có thể thay đổi được. Tùy chọn này khả dụng trong trang Developer settings trong Android hoặc thông qua ADB.
- Chỉ dẫn quyền riêng tư thông minh hơn trong thanh trạng thái: Phiên bản Android 12 beta 2 đã ra mắt các chỉ dẫn quyền riêng tư cho microphone và camera ở thanh trạng thái. Tính năng này sẽ cảnh báo người dùng khi ứng dụng sử dụng microphone hoặc camera của thiết bị. Trong bản beta 3, Google đã thêm một chỉ dẫn API quyền riêng tư mới vào phần WindowInsets, cho phép bạn nắm được giới hạn tối đa của từng chỉ dẫn và vị trí tương đương trên màn hình. Điều nãy cũng cho phép các chỉ dẫn nhận biết ngữ cảnh, không che hoặc làm mất một phần nội dung trong ứng dụng.
- Games mode API: Các nhà phát triển ứng dụng có thể ưu tiên một số tính năng thiết bị nhất định trong games của mình, chẳng hạn vòng đời pin lâu hơn hoặc hiệu suất tốt hơn, để đạt được tỷ lệ frame tốt nhất. API Game Mode cũng sẽ được gắn với Game Dashboard sắp sửa ra mắt, cung cấp một overlay (cửa sổ nhỏ hiện lên giữa màn hình thu hút sự chú ý của người dùng) để người dùng truy cập vào các tiện ích nhất định khi chơi game.
Những tính năng vẫn còn trong diện nghi vấn
1. Mã nội bộ của Android 12
Google đã bỏ việc đặt tên chính thức cho các phiên bản Android cách đây 2 năm. Tuy nhiên họ vẫn đặt tên nội bộ riêng bằng tên các loại đồ ngọt. Chẳng hạn tên nội bộ của Android 11 là “Red Velvet Cake” (Bánh Red Velvet), của Android 10 là “Quince Tart” (Bánh tart quả mộc qua). Nhiều người dự đoán tên của Android 12 là “Snow Cone” (một loại tráng miệng gồm đá bào phủ siro nhiều mùi vị).
2. Các tính năng khác đang được đồn đoán
- App Pair (Cặp ứng dụng): Về lý thuyết, tính năng này cho phép người dùng quản lý 2 ứng dụng đã mở trong menu Recent chỉ với 1 tác vụ duy nhất. Tên gọi của tính năng này cũng tương tự như tính năng App Pair từng xuất hiện trên điện thoại Samsung chạy hệ điều hành One UI (cho phép người dùng mở đồng thời 2 ứng dụng trên màn hình thông qua bảng điều khiển Edge). Surface Dou của Microsoft cũng có tính năng tương tự, cho phép người dùng mở cặp ứng dụng trực tiếp từ một phím tắt trên màn hình chính. Hiện vẫn chưa rõ phiên bản chính thức của Android 12 có bao gồm một trong 2 khả năng này hay không.
- Chế độ kết nối mạng hạn chế: Cung cấp cho hệ điều hành quyền kiểm soát những ứng dụng nào có thể truy cập internet.
- Sửa lỗi một số cử chỉ vuốt bề mặt lưng: Google có thể cải tiến các cử chỉ vuốt bề mặt lưng, làm chúng trở nên thông minh và liền mạch hơn bằng các mô hình máy học. Theo báo cáo của XDA, Android sẽ tính toán những gì người dùng dự định thực hiện bằng nhiều điểm dữ liệu. Đó có thể là điểm bắt đầu và kết thúc của một cử chỉ, chiều rộng màn hình hoặc chính bản thân ứng dụng. Sau đó hệ điều hành sẽ sử dụng dữ liệu này để dự đoán xem người dùng sắp sửa làm gì. Báo cáo cho thấy rằng tính năng này có thể khả dụng tại 43.000 ứng dụng.
Tất cả những thông tin cập nhất mới nhất về Android 12 bản beta này có đủ làm bạn hứng thú chưa? Cùng dự đoán xem phiên bản chính thức của Android 12 sẽ có thêm những tính năng mới thú vị nào nhé.
Mẫu Website Được Xem Nhiều