Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Trong một ngày, có hàng triệu người dùng tìm kiếm thông tin trên Google, Bing hay các công cụ tìm kiếm khác. Những công cụ tìm kiếm này hoạt động như thế nào? Liệu bạn đã hiểu rõ?

1. Công cụ tìm kiếm là gì?

Ra đời vào năm 1993, đến nay, công cụ tìm kiếm (Search Engine) đã trở thành một phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng của cuộc sống của nhiều người trên khắp hành tinh. Vậy công cụ tìm kiếm là gì?

Theo Wikipedia, công cụ tìm kiếm là một phần mềm hệ thống được thiết kế để thực hiện tìm kiếm trên Internet. Công cụ tìm kiếm sẽ tìm thông tin cụ thể được chỉ định trong truy vấn tìm kiếm một cách có hệ thống. Các kết quả tìm kiếm thường được trình bày trong những dòng kết quả và được gọi là các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs).

Thông tin từ kết quả tìm kiếm có thể là các trang web, hình ảnh, video, infographic, bài viết, tài liệu nghiên cứu và các loại tệp khác. Không giống như các thư mục web, chỉ được duy trì bởi con người, các công cụ tìm kiếm duy trì thông tin theo thời gian thực bằng cách chạy một thuật toán trên trình thu thập thông tin web. Những nội dung trên Internet mà các công cụ tìm kiếm không có khả năng tìm thấy được gọi là deep web.

2. Chức năng của công cụ tìm kiếm

  • Đáp ứng nhu cầu tìm kiếm: Khi một ai đó thực hiện tìm kiếm, các công cụ tìm kiếm sẽ truy vấn chỉ mục của mình để tìm ra nội dung phù hợp nhất và sau đó cung cấp nội dung đó đến với người tìm kiếm nhằm giải quyết nhu cầu của họ.
  • Xếp hạng nội dung: Các thông tin được công cụ tìm kiếm thu thập sẽ được xếp hạng và cung cấp cho người dùng. Nội dung càng liên quan đến từ khóa tìm kiếm và hữu ích thì càng được xếp hạng cao.
  • Nâng cao chất lượng tìm kiếm: Với sự ra đời và phát triển của hàng loạt các trang web, các công cụ tìm kiếm ngày càng khắt khe hơn trong việc xếp hạng và đánh giá. Điều này thôi thúc các trang web cung cấp nội dung đến với người dùng ngày một đa dạng và hữu ích hơn.

3. Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Công cụ tìm kiếm hoạt động theo quy trình 3 bước:

  • Bước 1: Thu thập thông tin, dữ liệu (Crawl): Các công cụ tìm kiếm sẽ “quét” nội dung trên Internet, xem qua mã/nội dung của từng URL mà nó tìm thấy để thu thập và tổng hợp dữ liệu.
  • Bước 2: Lập chỉ mục (Index): Lưu trữ và sắp xếp nội dung được tìm thấy từ quá trình thu thập thông tin. Khi một trang web đã có trong chỉ mục (được lập chỉ mục), trang đó sẽ được hiển thị trong kết quả của các truy vấn có liên quan.
  • Bước 3: Xếp hạng (Rank): Cung cấp các nội dung đáp ứng tốt nhất truy vấn của người tìm kiếm. Các kết quả được sắp xếp theo thứ tự từ phù hợp nhất đến ít liên quan nhất.

cach thuc hoat dong cua cong cu tim kiem - Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Quá trình hoạt động của các công cụ tìm kiếm

3.1. Thu thập thông tin: Công cụ tìm kiếm thu thập thông tin như thế nào?

Để trang web của bạn được hiển thị trong các trang kết quả tìm kiếm (SERPs), bạn cần phải đảm bảo nó được các công cụ tìm kiếm thu thập thông tin và lập chỉ mục. 

Nếu bạn đã có một website, bạn có thể kiểm tra có bao nhiêu trang của bạn trong chỉ mục của Google bằng cách soạn “site:tenmien” vào thanh công cụ tìm kiếm Google.

Để có kết quả chính xác hơn, bạn hãy theo dõi và sử dụng báo cáo Trạng thái lập chỉ mục trong Google Search Console. Diều Hâu đã từng có 1 bài viết hướng dẫn sử dụng Google Search Console toàn tập. Bạn đọc thêm tại đây.

xac dinh cac noi dung lap chi muc - Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Kiểm tra các trang được lập chỉ mục

Nếu các trang của bạn không hiển thị ở bất kỳ đâu trong kết quả tìm kiếm, có thể là vì những lý do sau:

  • Trang của bạn còn quá mới và công cụ tìm kiếm chưa kịp thu thập thông tin.
  • Trang của bạn không liên kết với bất cứ website nào khác.
  • Điều hướng các trang của bạn khiến công cụ tìm kiếm khó thu thập dữ liệu một cách hiệu quả.
  • Trang của bạn chứa một số mã lập trình chặn các công cụ tìm kiếm.
  • Trang của bạn đã bị công cụ tìm kiếm phạt vì các hoạt động spam.

3.1.1. Công cụ tìm kiếm thu thập thông tin như thế nào?

Công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu quan trọng qua tệp Robots.txt

Hầu hết, chúng ta đều mong muốn công cụ tìm kiếm có thể thu thập các trang quan trọng từ website của mình. Tuy nhiên, cũng có những trang bạn sẽ không muốn công cụ tìm kiếm thu thập thông tin, vì nội dung từ những trang này có thể hạ thấp thứ hạng của website. Những trang như vậy thường là những trang cũ có nội dung mỏng, các trang có URL trùng lặp, các trang thử nghiệm,… 

Để điều hướng công cụ tìm kiếm không thu thập thông tin từ các trang này và các phần nhất định trên website, bạn hãy sử dụng robots.txt. Diều Hâu đã từng có 1 bài viết giải thích file robots.txt là gì, cách tạo và kiểm tra file này. Bạn có thể xem tại đây.

Tệp Robots.txt được đặt trong thư mục gốc của website (Ví dụ: yourdomain.com/robots.txt). Tệp robots.txt giúp đề xuất công cụ tìm kiếm nên và không nên thu thập thông tin từ những phần nào trên trang của bạn.

Cách công cụ tìm kiếm xử lý tệp robots.txt:

  • Nếu công cụ tìm kiếm không thể tìm thấy tệp robots.txt của một trang web, nó sẽ tiến hành thu thập dữ liệu trang web.
  • Nếu công cụ tìm kiếm tìm thấy tệp robots.txt của một trang web, nó sẽ tuân theo các đề xuất và tiến hành thu thập dữ liệu trang web.
  • Nếu công cụ tìm kiếm gặp lỗi khi cố gắng truy cập vào tệp robots.txt của trang web và không thể xác định xem tệp này có tồn tại hay không, nó sẽ không thu thập dữ liệu trang web.

Bạn có thể đọc thêm các cách ngăn công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu từ trang của mình qua bài viết này.

Xác định thông số URL trong Google Search Console

Một số trang web (phổ biến nhất là các trang thương mại điện tử) cung cấp cùng một nội dung trên nhiều URL khác nhau bằng cách thêm các thông số nhất định vào URL. Vậy làm sao công cụ tìm kiếm phân định được URL nào sẽ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng?

Để xác định được URL phù hợp trong trường hợp này bạn có thể sử dụng tính năng URL Parameters trong Google Search Console. Trong mục Remove URLs, bạn điền những URL mà bạn muốn xóa khỏi trang kết quả tìm kiếm. Những trang còn lại sẽ được công cụ tìm kiếm thu thập và xử lý thông tin.

2 cach thu thap thong tin - Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

2 cách giúp công cụ tìm kiếm thu thập tìm kiếm thông tin

3.1.2. Công cụ tìm kiếm có thể tìm thấy tất cả những nội dung quan trọng không?

Đến đây, bạn đã biết một số cách để điều hướng công cụ tìm kiếm tránh xa những nội dung không quan trọng trên trang. Giờ hãy cùng tìm hiểu những cách nhanh chóng và hiệu quả giúp công cụ tìm kiếm tìm thấy các nội dung quan trọng của bạn. Dưới đây là vài gợi ý dành cho bạn:

  • Đảm bảo nội dung không bị ẩn sau các form đăng nhập/ đăng ký. Với những nội dung yêu cầu đăng nhập, điền vào biểu mẫu hoặc trả lời câu hỏi xong mới xem được thì các công cụ tìm kiếm sẽ không thể thu thập được. 
  • Không nên sử dụng định dạng hình ảnh, video, GIF,… để hiển thị văn bản mà bạn muốn được lập chỉ mục. Dù các công cụ tìm kiếm đã ngày càng nhận diện hình ảnh tốt hơn, nhưng không có điều gì chắc chắn chúng sẽ đọc hiểu được những nội dung này chính xác. Tốt nhất bạn nên thêm văn bản trong phần đánh dấu <html> của trang web của bạn.
  • Cấu trúc điều hướng trang web cần rõ ràng để công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng tiếp cận và liệt kê trong kết quả tìm kiếm.

3.2. Lập chỉ mục: Công cụ tìm kiếm sắp xếp và lưu trữ thông tin như thế nào?

Một trang web được thu thập thông tin không có nghĩa là nó sẽ được lập chỉ mục. Vì vậy, sau khi đảm bảo trang web của mình đã được thu thập thông tin đầy đủ, việc cần làm bây giờ là chắc chắn các thông tin này được công cụ tìm kiếm sắp xếp và lưu trữ theo chỉ mục.

Bạn có thể biết được các công cụ tìm kiếm đã thu thập thông tin và lập chỉ mục cho trang của mình đến đâu bằng cách kiểm tra nội dung được lưu trong bộ nhớ cache của trang đó. Ở URL của trang trong SERP, bạn cách nhấp vào mũi tên thả xuống bên cạnh URL và chọn “Đã lưu trong bộ nhớ cache”.

noi dung luu trong bo nho cache - Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Kiểm tra nội dung được lưu trữ trong bộ nhớ cache

3.2.1. Có bao giờ các trang bị xóa khỏi chỉ mục không?

Có, các trang có thể bị xóa khỏi chỉ mục! Một số lý do chính khiến URL có thể bị xóa bao gồm:

  • URL trả về lỗi “không tìm thấy” (4XX) hoặc lỗi máy chủ (5XX) – Điều này có thể là do ngẫu nhiên (trang đã được chuyển hướng sang địa chỉ chưa được thiết lập) hoặc cố ý (trang đã bị xóa và chuyển hướng 404 để lấy nó ra khỏi chỉ mục).
  • URL đã được thêm thẻ Meta ngăn lập chỉ mục – Chủ sở hữu trang web có thể thêm thẻ này để hướng dẫn công cụ tìm kiếm loại bỏ trang khỏi chỉ mục của nó.
  • URL đã bị phạt vì vi phạm Nguyên tắc quản trị trang web của công cụ tìm kiếm và kết quả là URL đã bị xóa khỏi chỉ mục.
  • URL đã bị chặn thu thập thông tin khi buộc người dùng phải bổ sung mật khẩu bắt buộc trước khi truy cập.

Chúng tôi cũng có bài viết về cách ẩn một trang khỏi công cụ tìm kiếm. Bạn đọc thêm ở đây.

3.2.2. Làm thế nào để công cụ tìm kiếm lập chỉ mục cho trang web?

Thông qua thẻ Meta Robot

Thẻ Meta Robot là những hướng dẫn bạn cung cấp cho các công cụ tìm kiếm để chúng xử lý trang web của bạn theo cách bạn muốn.

Thẻ Meta Robot có thể được sử dụng trong <head> của html của trang web. Nó đem đến các thông tin cần thiết để công cụ tìm kiếm lập chỉ mục dễ dàng và nhanh chóng hơn. Sau đây là những thẻ meta phổ biến nhất, cùng với những trường hợp bạn có thể áp dụng chúng.

  • Index / Noindex: Cho các công cụ tìm kiếm biết trang nào được lưu/ không lưu trong chỉ mục.
  • Follow / Nofollow: Cho các công cụ tìm kiếm biết liệu các đường link trên trang nên được theo dõi hay không cần theo dõi.
  • Noarchive: Được sử dụng để hạn chế các công cụ tìm kiếm lưu bản sao được lưu trong bộ nhớ cache của trang. 

Bằng thẻ X-Robots

Thẻ X-Robots được sử dụng trong header <http> của URL của trang web. Thẻ này linh hoạt và nhiều chức năng hơn thẻ meta nếu bạn muốn chặn các công cụ tìm kiếm trên quy mô lớn, chặn các tệp không phải HTML và áp dụng thẻ noindex trên toàn trang web.

cach cong cu tim kiem lap chi muc - Công cụ tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Cách công cụ tìm kiếm lập chỉ mục cho trang web

3.3. Xếp hạng: Công cụ tìm kiếm xếp hạng trang web như thế nào?

Để xếp hạng trang web, mỗi công cụ tìm kiếm sẽ sử dụng các thuật toán, quy trình và công thức khác nhau. Trong nhiều năm qua, các thuật toán này đã không ngừng thay đổi để cải thiện chất lượng kết quả tìm kiếm, mang đến những thông tin hữu ích và phù hợp với người dùng. Một số công cụ kiểm tra thứ hạng trang web tốt nhất đã từng được Diều Hâu giới thiệu trong bài viết này.

Một trang web được SEO tốt sẽ được các công cụ tìm kiếm đánh giá và xếp thứ hạng cao. 2 yếu tố quan trọng hàng đầu trong SEO là liên kết và nội dung.

Liên kết bao gồm hai loại: 

  • Liên kết ngoài (Backlink hoặc “inbound links”) là liên kết từ các trang web khác trỏ đến trang web của bạn. Bạn đọc thêm về cách xây dựng backlink cho 1 trang web tại đây. 
  • Liên kết nội bộ (internal links) là liên kết giữa các trang trên website của bạn với nhau. 

Việc sử dụng các liên kết giúp các công cụ tìm kiếm tìm ra được các URL đáng tin cậy và xếp hạng kết quả tìm kiếm nhanh chóng.

Bên cạnh đó, liên kết chất lượng phải được xây dựng dựa trên nội dung làm hài lòng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng. Nội dung không chỉ là văn bản mà còn thể hiện qua video, hình ảnh hay lời nói. Bạn tìm hiểu thêm về cách xây dựng nội dung chuẩn SEO tại đây.

Dù cho những tiêu chí xếp hạng trang web của các công cụ tìm kiếm luôn thay đổi và là đề tài gây tranh cãi, có những tiêu chí xếp hạng vẫn luôn bất biến đó là các liên kết (bao gồm ngoài và nội bộ) và nội dung trên trang.

Các thuật toán về việc lấy thông tin, lập chỉ mục và xếp hạng nội dung của các công cụ tìm kiếm luôn thay đổi. Với bài viết trên, Diều Hâu hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thu thập, lưu trữ, xếp hạng của các công cụ tìm kiếm, từ đó vạch ra cho mình một kế hoạch xây dựng website hoàn hảo.

Mẫu Website Được Xem Nhiều