Được đồn đoán chi 7 tỷ đồng để làm lại logo, Xiaomi ngay lập tức tạo nên một cuộc tranh luận dữ dội bởi logo mới chả mấy khác biệt so với logo cũ. Nhưng Xiaomi vẫn chưa phải là cái tên vàng trong làng “hoang phí”. Cùng điểm qua những “dân chơi” thứ thiệt trong lĩnh vực marketing và tìm hiểu tại sao nhiều hãng vẫn mạnh tay “xuống tiền” để làm mới logo đến thế qua bài viết sau.
1. Thiết kế logo mới: Cuộc chơi tất tay của những đại gia
Trước hết hãy cùng Diều Hâu nhìn nhận lại case study logo của Xiaomi.
Đây là hình ảnh logo trước và sau khi thay đổi của hãng công nghệ đến từ Trung Quốc.
Tạm gác lại về sự giống nhau giữa 2 logo này. Hãy nhìn kỹ hơn vào các thành phần của logo.
Thứ nhất, về chữ MI và font chữ đi kèm. Trong trường hợp bạn chưa biết, MI là viết tắt của Mobile Internet. Sở dĩ Xiaomi lựa chọn font chữ với tỷ lệ như hiện tại vì khi đảo ngược logo, chữ MI sẽ trông khá giống với chữ 心 trong tiếng Trung Quốc, nghĩa là “Trái tim”.
Luôn xây dựng hình ảnh thương hiệu hướng đến khách hàng, nỗ lực tung ra các sản phẩm và sáng kiến nhằm chiếm được trái tim của người tiêu dùng, việc logo “chơi chữ” điệu nghệ như thế này là điều Xiaomi ắt hẳn sẽ không muốn thay đổi.
Vậy màu sắc thì sao? Trong thiết kế, màu cam thường gắn liền với sự vui tươi và nhiệt huyết. Đó cũng là tinh thần mà Xiaomi luôn muốn hướng đến: mang lại sự vui tươi trong cuộc sống của khách hàng thông qua sự tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, màu cam cũng là màu bắt mắt và có khả năng kích thích não hoạt động. Nếu được sử dụng trong bộ nhận diện, màu cam sẽ thôi thúc khách hàng hành động và đóng góp vào doanh số của doanh nghiệp. Đây chắc chắn cũng là điều Xiaomi không muốn thay đổi.
Vậy nếu phải đổi thì nên đổi gì? Đó chính là viền của logo – Cũng là điều Xiaomi đã thực hiện.
Thực chất, trước Xiaomi, nhiều thương hiệu cũng đã thực hiện những thay đổi trị giá tiền tỷ trên logo của mình.
Như Pepsi với thiết kế 1 triệu USD.
Hay kinh điển của mọi thời đại là GAP, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ, với thiết kế logo trị giá khoảng 100 triệu USD (vâng, là 100 triệu USD). Đáng nói, thiết kế này chỉ được dùng trong 7 ngày, sau đó do cộng đồng phàn nàn quá mức nên GAP đã quay về với logo cũ.
2. Publicity stunt và chiêu bài của những “tay chơi” thứ thiệt
Đến đây nhiều người sẽ thắc mắc nếu logo cũ đã quá “ổn áp” như vậy sao vẫn cần thiết kế lại? Lý do gì phải chi một số tiền khủng chỉ để có một thiết kế na ná, thậm chí xấu hơn bản cũ?
Câu trả lời có lẽ nằm ngoài phạm trù thiết kế. Quay trở lại case study của Xiaomi, nhìn một cách bao quát, sự việc lần này chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể kế hoạch truyền thông và quảng bá thương hiệu của gã khổng lồ Trung Quốc.
Thử tượng tượng nếu logo mới của Xiaomi rất khác biệt, rất đẹp thì chuyện chi 7 tỷ đã không đáng bàn cãi. Và hẳn nhiên, logo mới đó cũng sẽ bị chìm nghỉm giữa “biển thông tin” mênh mông mà người tiêu dùng tiếp nhận mỗi ngày.
Nhưng với một logo “copycat” logo cũ, Xiaomi đã lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trong chưa đầy 24 tiếng, chỉ riêng tại Việt Nam, từ khóa Xiaomi đã vươn lên top 3 trending trong danh sách tìm kiếm.
Hàng loạt bài báo chính thống lẫn bài đăng trên mạng xã hội của người dùng được đăng tải với nội dung xoay quanh chiếc logo thần thánh này.
Không dành nhiều nỗ lực đi PR nhưng lại nhận được lượt earned media khủng khiếp, mức độ viral chóng mặt, hình ảnh logo mới xuất hiện tràn ngập… Phải thừa nhận trong chiến dịch làm mới và tạo nhận biết thương hiệu lần này, Xiaomi đã thành công một cách rất KHÁC BIỆT.
Bậc thầy hiện đại trong lĩnh vực tạo publicity stunt có lẽ không ai khác ngoài Elon Musk, tỷ phú công nghệ, ông chủ của hãng xe điện Tesla.
Publicity stunt giá 7 tỷ đồng (khoảng 30 ngàn USD) của Xiaomi thật ra chả đáng là bao so với việc Elon ném vỡ kính của chiếc xe bán tải Tesla Cybertruck ngay trong ngày ra mắt “đứa con cưng” này. Sự việc đã khiến cổ phiếu Tesla giảm 6% giá trị, khiến khối tài sản của Elon bốc hơi 768 triệu USD chỉ trong 1 ngày.
Nhưng bù lại, stunt đã giúp tạo nên cơn sốt, khiến hàng triệu người chủ động tìm kiếm thông tin về hãng xe điện. Quan trọng hơn, Tesla cũng thu về được 150.000 đơn đặt xe chỉ trong thời gian ngắn, một con số ấn tượng mà nếu không có stunt, chưa chắc Tesla có thể đạt được.
3. Kết
Có lẽ khi bạn đọc đến đây, cơn sốt mang tên logo Xiaomi đã phần nào hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều đó cũng không còn quan trọng nữa bởi tin chắc dù bạn có phải MI fan hay không, hình ảnh của chiếc logo và tên tuổi của doanh nghiệp từ Trung Quốc này đã dần in hằn vào đầu óc của bạn. Và như thế thì cũng đủ để đội marketing và chiến lược của Xiaomi mở tiệc ăn mừng rồi.
Mẫu Website Được Xem Nhiều