Affiliate Marketing là một hình thức tiếp thị liên kết bằng cách quảng bá sản phẩm/dịch vụ của nhà cung cấp và nhận lại hoa hồng tiếp thị tương ứng. Đây hoàn toàn là một hình thức kiếm tiền online bằng cách sử dụng các công cụ xây dựng nội dung trực tuyến như Mạng xã hội hay Website,… Vậy những kênh tiếp thị nào sẽ phù hợp với Affiliate Marketing trong năm 2021? Bản thân bạn nên lựa chọn kênh tiếp thị nào để bắt đầu? Thông qua bài viết này, Diều Hâu sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn chi tiết hơn về vấn đề này nhé.
1. Điểm chung giữa các kênh phù hợp để làm Affiliate Marketing
Bản chất của Affiliate Marketing đó là việc bạn sử dụng các kênh trực tuyến để truyền tải đi thông điệp bạn mong muốn. Do đó, online sẽ là tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn các kênh tiếp thị theo hình thức này. Tuy nhiên, giữa hàng tá những kênh online như hiện nay, những kênh nào mới đủ điều kiện để bắt đầu làm Affiliate Marketing. Hai gợi ý mà Diều Hâu đưa ra dưới đây sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng trong quá trình lựa chọn này.
- Thứ nhất, có lượng người dùng lớn: Kênh bạn sử dụng có lượng người dùng càng lớn, bạn càng có cơ hội tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu. Bạn có thể hiểu đơn giản thế này. Mỗi sản phẩm bạn dự định tiếp thị sẽ hướng đến một nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau. Do đó, kênh bạn dự định sử dụng để tiếp thị có lượng người dùng càng lớn thì nhóm khách hàng mục tiêu của bạn càng lớn và ngược lại.
- Thứ hai, cho phép có thể gắn link ref: Link ref là một thành phần trong Affiliate Marketing. Nó vừa giúp chuyển hướng người dùng đến trang mua hàng của nhà cung cấp, vừa có tác dụng ghi dấu theo dõi lại hành vi của người dùng. Doanh thu của bạn sẽ được ghi nhận hoàn toàn thông qua link ref thay vì thông qua hình thức truyền miệng như tiếp thị truyền thống. Do đó, những kênh tiếp thị chúng ta lựa chọn nên cho phép người dùng có thể đặt link ref để kêu gọi khách hàng click vào. Nó có thể là phần mô tả trên Youtube, phần bài viết trên Website/Blog,…
Vậy khi bạn đã có một danh sách các kênh tiếp thị đáp ứng hai tiêu chí trên rồi thì nên lựa chọn kênh nào cho phù hợp với những nguồn lực mà bạn có? Chúng tôi sẽ giúp bạn làm rõ hơn về câu hỏi trên ở phần tiếp theo của bài viết này nhé.
2. Các kênh phù hợp để làm Affiliate Marketing
Ở phần này, thay vì liệt kê toàn bộ các kênh, Diều Hâu đã chọn lựa ra 3 kênh phù hợp nhất mà đại đa số những người làm Affiliate Marketing thường xuyên sử dụng. Chúng tôi sẽ giúp bạn phân tích chi tiết từng kênh khác nhau, qua đó dựa vào nguồn lực bạn có, mong rằng bạn có thể lựa chọn cho mình một hoặc nhiều kênh phù hợp nhất nhé.
2.1. Youtube
Youtube là một website về video trực tuyến có lượng truy cập lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Vậy làm Affiliate Marketing trên Youtube là làm gì? Hiểu đơn giản là chúng ta sẽ tạo ra các video với thời lượng khác nhau, có nội dung hấp dẫn, khéo léo lồng ghép để giới thiệu về sản phẩm và khuyến khích khách hàng nhấp vào các link ref chúng ta đã chuẩn bị sẵn.
Video ở đây có thể gồm nhiều dạng nội dung khác nhau. Nó có thể là những video dưới dạng review về một sản phẩm nào đó, cũng có thể là video hài hước kèm lồng ghép sản phẩm phù hợp,… Video càng hấp dẫn và hữu ích tỷ lệ chuyển đổi càng cao và ngược lại.
2.1.1. Ưu, nhược điểm
Hãy cùng xem việc bắt đầu với Affiliate Marketing qua kênh Youtube có những ưu và nhược điểm gì nhé.
Ưu điểm
- Dễ dàng bắt đầu: Ngày nay, khi smartphone ngày càng phổ biến, việc tạo cho mình một video riêng thực sự không quá khó khăn. Một video được quay và dựng chuyên nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu như bạn mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực này thì chưa cần thiết phải quá cầu kỳ như vậy. Thay vì thế, thời gian đầu bạn nên chú ý nhiều hơn đến phần ý tưởng và kịch bản.
- Dễ dàng SEO lên top: Nếu so với việc bạn đưa một bài viết trên Website xuất hiện trên top tìm kiếm của Google thì việc SEO một video trên Youtube có phần đơn giản hơn. Nó không có quá nhiều thuật toán phức tạp như công cụ tìm kiếm. Bạn sẽ vẫn cần phải mất thời gian để nghiên cứu và lĩnh hội những kiến thức này. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mất của bạn từ 2-3 ngày để có thể nắm được tổng quan rồi.
- Trực quan: Sử dụng định dạng video sẽ giúp bạn truyền tải nội dung đến khách hàng dễ dàng hơn. So với văn bản thì video cũng dễ được người dùng hiện nay chấp nhận hơn.
Nhược điểm
- Tâm lý “Ngại”: Với nhiều người, việc đứng và nói trước máy quay có thể là một rào cản lớn. So với việc viết bài trên Blog, việc xuất hiện trên video sẽ khiến bạn mất tự tin. Sẽ là sáo rỗng nếu chúng tôi khuyên bạn nên tự tin hơn. Tuy nhiên, nếu như bạn muốn bắt đầu với kênh này thì bạn nên thay đổi.
- Sự thu hút: Bạn có thể viết rất tốt nhưng không có gì đảm bảo bạn có thể tạo ra những video hấp dẫn và thu hút người dùng. Nó là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau. Bạn phải có một kịch bản đủ hấp dẫn, một phong thái truyền đạt mạch lạc,… Muốn có được tất cả những điều này, cách duy nhất là bạn phải tự rèn luyện mà thôi.
2.1.2. Cần chuẩn bị những gì
Vậy để bắt đầu với Youtube, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Dưới đây Diều Hâu sẽ liệt kê những thứ cần thiết nhất để bạn có thể bắt đầu ngay được với hình thức này nhé.
- Thiết bị quay (bắt buộc): Nó có thể là điện thoại, máy ảnh hoặc máy quay chuyên nghiệp tuỳ vào điều kiện bạn có. Lưu ý, nên lựa chọn những thiết bị có thể cho ra những video ở định dạng HD trở lên để khiến cho video của bạn trông chuyên nghiệp hơn.
- Tài khoản kênh Youtube (bắt buộc): Bạn sẽ phải tự tạo cho mình một kênh Youtube riêng để sử dụng. Việc tạo kênh này tương đối đơn giản, bạn có thể đọc và làm theo hướng dẫn trên trang Youtube. Tuy nhiên, hãy đảm bảo trước đó bạn đã chuẩn bị sẵn ý tưởng cũng như kịch bản cần thiết cho video bạn dự định quay.
- Thiết bị dựng video (có thể có): Thông thường, sau khi có video chúng ta có thể chỉnh sửa lại bằng cách thêm các hiệu ứng, lời kêu gọi hành động,… để khiến video trông hấp dẫn hơn. Ở phần này bạn sẽ cần một máy tính với cấu hình đủ khoẻ, hỗ trợ dựng video ở mức cơ bản (chi phí dao động khoảng từ 10-12 triệu đồng); một phần mềm dựng video như Adobe Premiere hoặc Camtasia (chi phí bản quyền cho những phần mềm này khá đắt, do đó bạn nên cân nhắc sử dụng bản dùng thử hoặc tìm kiếm việc chia sẻ tài khoản bản quyền để tiết kiệm chi phí).
- Thiết bị thu âm (có thể có): Nếu sử dụng điện thoại để ghi hình, âm thanh thu được có thể không rõ ràng. Một thiết bị thu âm sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Chi phí dao động từ 1 triệu – 2 triệu đồng.
2.1.3. Kênh này sẽ phù hợp với những ai?
Bắt đầu với Youtube, bạn sẽ sử dụng định dạng video để truyền tải nội dung. Do đó, video của bạn sẽ phải đủ hấp dẫn để giữ chân người xem. Theo Diều Hâu, kênh này sẽ phù hợp với những người có những ưu điểm sau đây:
- Thứ nhất, bạn có một tài năng nào đó: Đó có thể là việc bạn đánh đàn hay, nấu ăn giỏi hay yêu thích thú cưng,… Nếu bạn thường xuyên làm những việc đó hàng ngày thì có thể biến nó thành một kênh YouTube và kiếm tiền từ Affiliate Marketing.
- Thứ hai, bạn là một người sáng tạo: Có thể bạn không giỏi về một kỹ năng nào trong số những kỹ năng trên nhưng bạn lại là một người vô cùng sáng tạo thì hoàn toàn phù hợp. Sáng tạo ở đây liên quan đến việc bạn có nhiều ý tưởng thú vị. Nó có thể xoay quanh cuộc sống hàng ngày, công việc, gia đình,…
2.1.4. Một vài ý tưởng để bắt đầu với Youtube
Để bắt đầu với Youtube thành công, thời gian đầu bạn nên lựa chọn cho mình một ngách phù hợp. Nó có thể là những sở thích cá nhân hay những kỹ năng mà bạn có. Đây là một vài ngách gợi ý dành cho bạn: Nấu ăn, Đánh đàn, Chăm sóc cây cảnh, Trang trí nhà cửa,…
Lưu ý rằng, trong bài viết này, Diều Hâu chỉ đề cập đến việc xây dựng kênh Youtube dựa trên việc bạn là người sáng tạo ra những video đó thôi nhé. Trên thực tế, có một hình thức khác gọi là re-up video (nghĩa là bạn đăng lại những video của người khác). Có thể bạn vẫn kiếm tiền từ Affiliate Marketing với hình thức này. Tuy nhiên, về mặt lâu dài nó sẽ không ổn định và hiệu quả nên chúng tôi sẽ không đề cập tới.
2.2. Website/Blog cá nhân
Website hay Blog cá nhân có lẽ là cách mà chúng ta sẽ nghĩ đến đầu tiên khi muốn kiếm tiền online. Đơn giản chỉ vì nó dễ. Dễ để bắt đầu cũng như dễ trong việc tạo ra nội dung. Ngày nay, với nhiều nền tảng như WordPress hay Joomla, việc tự tạo cho mình một trang web khi không biết gì về kỹ thuật chưa bao giờ dễ dàng đến vậy.
Hơn nữa so với việc xây dựng một video, viết một bài trên blog cũng sẽ không làm khó được nhiều bạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa hình thức này không có nhược điểm đâu nhé. Hãy cùng Diều Hâu điểm nhanh một số ưu, nhược điểm của Website/Blog là gì nhé.
2.2.1. Ưu, nhược điểm
Ưu điểm
- Dễ để bắt đầu: Chúng ta có đầy đủ các công cụ cần thiết để có thể tự tạo cho mình một website riêng trên Internet. Có thể nó không thực sự chuyên nghiệp bằng việc một người có chuyên môn kỹ thuật tạo dựng một Website. Tuy nhiên thời gian đầu, chúng ta cũng chưa thực sự cần thiết đến điều đó.
- Không tốn kém chi phí: Gần như bạn sẽ không phải bỏ ra một chi phí nào cho việc xây dựng một website như vậy và khiến nó có thể xuất hiện được trên các công cụ tìm kiếm hiện nay.
Nhược điểm
- SEO: Bằng việc xuất bản nội dung dưới hình thức viết bài trên Website/Blog cá nhân, để có thể tiếp cận nhiều người đọc, bài viết của bạn cần xuất hiện trên top đầu của các công cụ tìm kiếm như Google. SEO sẽ giúp bạn làm điều đó. Tuy nhiên, để có thể SEO một bài viết lên top thành công, ngoài yếu tố chất lượng bài viết ra thì kỹ thuật cũng góp phần quan trọng vào việc này. Điều không may là không phải ai cũng giỏi việc này ngay từ đầu nên đây sẽ là thử thách đầu tiên dành cho bạn.
- Bạn phải là người viết tốt: Với Website/Blog cá nhân, bạn sẽ thu hút người dùng bằng những bài viết chất lượng của bạn. Đây là kênh giao tiếp duy nhất bạn có với khách hàng. Khi họ yêu thích bài viết của bạn, họ bình luận càng nhiều thì bạn càng có cơ hội chuyển đổi họ thành khách hàng. Do đó, để thuyết phục họ bấm vào link ref, bạn phải là một tay viết chất lượng, lôi cuốn và biết kêu gọi hành động đúng lúc.
2.2.2. Cần chuẩn bị những gì
Bắt đầu kiếm tiền online bằng Affiliate Marketing với hình thức này, ngoài việc lên ý tưởng viết bài; nghiên cứu và lập kế hoạch từ khóa cho website của bạn, gần như bạn sẽ không cần chuẩn bị gì nữa cả. Việc tạo dựng website, bạn có thể sử dụng WordPress, Blogspot hay Medium. Và chỉ sau vài phút, bạn đã có thể tạo riêng cho mình một website để sử dụng rồi.
Diều Hâu cũng đã khá nhiều bài viết về việc lựa chọn các nền tảng này, bạn có thể tham khảo để tìm ra ý tưởng cho riêng mình nhé.
- WordPress và Blogger – Cái nào tốt hơn (ưu và nhược điểm).
- Hướng dẫn sử dụng Yoast SEO toàn tập trên WordPress.
- Hướng dẫn cài đặt WordPress trên mọi nền tảng (chi tiết mới update 2019).
Thời gian đầu, khi bạn đang tập làm quen dần với hình thức kiếm tiền online bằng Affiliate Marketing dựa trên Website/Blog, bạn có thể chưa cần quá chú ý đến vấn đề thiết kế. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi khuyên bạn nên chú trọng hơn đến những vấn đề như vậy. Dưới đây là một số thứ bạn cần chuẩn bị để biến Website/Blog của mình trở nên chuyên nghiệp hơn.
- Tên miền: Nếu bạn sử dụng những nền tảng WordPress hay Blogspot mức cơ bản như ở trên, website của bạn sẽ được gắn với những tên miền khá dài và khó nhớ. Thường nó sẽ đi kèm với đuôi .wordpress.com,… Một tên miền riêng sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bạn có thể mua nó tại các nhà cung cấp tên miền với chi phí chỉ từ vài chục ngàn đồng cho một năm sử dụng.
- Hosting: Hiểu đơn giản đây là cách để bạn lưu trữ các bài viết của mình. Bạn sẽ mua Hosting từ một nhà cung cấp, triển khai cài đặt nền tảng xây dựng website (WordPress/Blogspot) trên đó. Sau đó bạn sẽ trỏ tên miền về để hoàn thành việc tạo một Website riêng của mình. Chi phí để mua và duy trì Hosting sẽ dao động từ 1 triệu – 2 triệu đồng/năm.
2.2.3. Kênh này sẽ phù hợp với những ai?
Mặc dù kênh này không khó để bạn có thể bắt đầu, tuy nhiên ở góc độ cá nhân, bạn nên bắt đầu với kênh này khi bạn là người có kiến thức hoặc am hiểu nhất định về kỹ thuật. Điều đó sẽ giúp bạn xây dựng một website chỉn chu và chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Kiến thức ở đây bao gồm cả kiến thức về kỹ thuật như việc xây dựng website, đăng ký tên miền. Ngoài ra, bạn cũng nên là người có những am hiểu nhất định về SEO. Bởi lẽ đây là công cụ giúp bạn có thể mang đến cho bạn nhiều lượt tiếp cận ngoài những nội dung mà bạn sản xuất ra.
2.2.4. Một vài ý tưởng để bắt đầu
Bắt đầu một Website/Blog, bạn cũng nên hướng đến một ngách nhỏ nào đó để phát triển. Ý tưởng có thể là một blog về du lịch, ẩm thực hay thậm chí là blog về review các sản phẩm,… Tuy nhiên, đừng nên quá ôm đồm, hãy tập trung vào một thứ trong thời gian đầu. Như vậy bạn sẽ có thể tạo ra những nội dung giá trị được.
2.3. Mạng xã hội như Facebook, Instagram
Không giống với YouTube hay Website/Blog, mạng xã hội là nơi tập trung vào sự tương tác qua lại giữa mọi người với nhau. Thế nên, cứ chỗ nào có đông đảo người dùng, ở đó chúng ta có thể tận dụng để kiếm tiền online với Affiliate Marketing.
Nếu bạn dự định bắt đầu với hình thức này, bạn cũng nên chú ý đến một số đặc điểm sau đây.
2.3.1. Ưu, nhược điểm
Ưu điểm
- Dễ bắt đầu: Việc bạn tạo một Fanpage hay lập một Group trên Facebook gần như không mất của bạn quá nhiều thời gian. Thậm chí, gần như không có một yếu tố kỹ thuật gì ở đây cả. Việc của bạn là đọc và làm theo hướng dẫn là được.
- Đa dạng định dạng nội dung: Với mạng xã hội, bạn có thể sáng tạo với bất cứ định dạng nội dung nào bạn muốn. Nó có thể là video, bài viết, ảnh hay thậm chí là các cuộc khảo sát nhanh. Mọi thứ gần như đều được hỗ trợ bởi những nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram.
Nhược điểm
- Quảng cáo: Không giống như Website/Blog, bạn có thể sử dụng SEO để thu hút lượng traffic cho riêng mình. Mạng xã hội thì khác. Thuật toán xếp hạng của Facebook không giống với Google. Có thể nói, để thu hút được nhiều fan, bạn sẽ phải sử dụng đến quảng cáo trên chính những nền tảng này. Với những người mới tham gia vào Affiliate Marketing, đây cũng là một trong những khoản chi phí mà bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng.
- Khó kết hợp với nhiều hình thức khác: Với Website/Blog, bạn có thể kết hợp với nhiều hình thức như gửi email hàng loạt đến những thành viên đăng ký hay đo lường các chỉ số trên trang của mình bằng các công cụ như Google Analytics hay Tag Manager,… Với mạng xã hội, điều này bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Bản thân mạng xã hội cũng có những công cụ giúp bạn thống kê các tiêu chí này, tuy nhiên chắc chắn nó sẽ không đầy đủ như bạn mong muốn. Hơn nữa, với một số chính sách ngăn chặn tin giả như hiện nay, việc bạn đính kèm link ref quá nhiều có thể bị đánh giá là spam, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng của Website đó.
2.3.2. Bạn cần chuẩn bị những gì để bắt đầu?
Để bắt đầu với hình thức này khi kiếm tiền với Affiliate Marketing, bạn sẽ cần chuẩn bị một vài yếu tố sau đây:
- Tài khoản Facebook/Instagram (bắt buộc): Hãy tạo dựng cho mình một tài khoản cá nhân và do bạn quản lý. Hãy học cách bảo mật cho tài khoản của mình bằng cách quản lý mật khẩu chuyên nghiệp kết hợp với sử dụng Google Authenticator. Tài khoản này sẽ được dùng để tạo các Fanpage cũng như Group giúp bạn kiếm tiền với Affiliate Marketing. Do đó, hãy chú ý đến điều này.
- Tài khoản quảng cáo (có thể có): Tài khoản này sẽ được dùng để giúp bạn quảng bá Fanpage của bạn tới nhiều người dùng hơn. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi bạn phải có kỹ năng về quảng cáo Facebook (Facebook Ads) hoặc bạn có thể đi thuê ngoài nếu như điều kiện tài chính của bạn cho phép.
- Thẻ visa (có thể có): Thẻ visa sẽ giúp bạn có thể thực hiện quảng cáo trên Facebook. Chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn định dạng thẻ Debit thay vì Credit Card để đảm bảo an toàn và bảo mật. Bạn có thể làm nó với mức phí từ 100,000 VND – 200,000 VND tại các ngân hàng lớn ở Việt Nam.
2.3.3. Kênh này sẽ phù hợp với những ai?
Để bắt đầu với mạng xã hội, chúng tôi khuyên bạn nên là người có kinh nghiệm hoặc hiểu biết về kỹ thuật quảng cáo trên nền tảng này. Chúng ta sẽ sử dụng khá nhiều đến điều này trong quá trình kiếm tiền với Affiliate Marketing. Việc bạn hiểu biết về nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí cần thiết.
2.3.4. Một vài ý tưởng để bắt đầu
Bạn có thể bắt đầu với mọi ý tưởng bạn muốn. Thậm chí, bạn có thể kết hợp tiếp thị nhiều loại sản phẩm khác nhau cùng lúc. Tuy nhiên, Diều Hâu luôn khuyên bạn nên tập trung hoá thay vì dàn trải. Việc tập trung hóa sẽ giúp bạn có những nội dung chất lượng hơn cho một lĩnh sản phẩm nào đó. Và khi bạn đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó, bạn sẽ có thể dễ dàng thuyết phục được khách hàng hành động nhiều hơn.
3. Lời kết
Youtube, Website/Blog hay mạng xã hội là những kênh giúp chúng ta có thể truyền tải thông điệp của mình khi kiếm tiền bằng Affiliate Marketing. Mỗi kênh sẽ có một thế mạnh khác nhau và tuỳ vào thế mạnh của bản thân, bạn có thể lựa chọn một hình thức phù hợp với riêng mình. Hi vọng bài viết này của Diều Hâu đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy nó giúp ích cho mình. Hẹn gặp bạn ở các bài viết chi tiết liên quan đến từng nền tảng này nhé.
Mẫu Website Được Xem Nhiều